Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ có thể có thuật ngữ “tương đương” trong một số trường hợp để linh hoạt và tránh liệt kê (dễ bị thiếu). Tuy vậy, quy định như thế có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau. Vụ việc dưới đây về khái niệm “tương đương” để bạn đọc tham khảo.
Trong một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có nêu yêu cầu về tàu biển chở hàng như sau: “Tàu bảo đảm đủ khả năng đi biển, được bảo hiểm P&I quốc tế hoặc tương đương” (Vessel to be guaranteed seaworthy and covered fully P&I insured with international P&I club or equivalent)và “Người bán đảm bảo tàu được phân cấp của cơ quan đăng kiểm Lloyd’s 100A1 hoặc tương đương” (Seller guarantees the vessel shall be classified Lloyd’s 100A1 or equivalent). Người bán thông báo sẽ chỉ định tàu biển được bảo hiểm P&I và đăng kiểm của Thái Lan. Người mua không chấp nhận vì cho rằng tàu đó không phải là tàu “tương đương” như thỏa thuận trong hợp đồng còn Người bán thì cho rằng tàu như vậy là đã “tương đương”.
“Tương đương” (Equivalent) có nghĩa là “of the same kind” (cùng loại) , hay “similar to” (tương tự như) và được giải thích tại từ điển “The Shorter Oxford English Dictionary on Historical Principals” là: “ngang bằng về giá trị, sức mạnh/quyền lực, hiệu quả, tầm quan trọng; có ý nghĩa tương ứng hoặc ngang bằng” (Equal in value, power, efficacy, or import; having equal or corresponding significance).Từ điển “OxfordAdvanced Learner’s Dictionary” cũng giải thích “equivalent” gần giống như trên, đó là “ngang bằng về giá trị, số lượng, ý nghĩa, tầm quan trọng, v.v” (equal in value, amount, meaning, importance, etc). Xem ở sách “bách khoa toàn thư “bình dân” Wikipedia trên mạng Internet thì nghĩa của từ equivalent cũng chẳng khác là bao so với định nghĩa trong hai cuốn từ điển nêu trên tuy được trình bày khá chi tiết cho nhiều lĩnh vực khác nhau.
Người viết cho rằng với tàu biển đăng kiểm tại cơ quan đăng kiểm của Thái Lan không thể coi là “tương đương” với Lloyd’s, vì Lloyd’s là hội viên của “Hội Đăng kiểm quốc tế” (The International Association of Classification Societies – IACS) – Hội mà hơn 90% tổng trọng tải đội tàu buôn trên thế giới được kiểm tra theo tiêu chuẩn của quy phạm kỹ thuật và phân cấp của một số hãng đăng kiểm là hội viên chính thức như: ABS (Mỹ), BV (Pháp), CCS (Trung Quốc), DNV (Na Uy), GL (Đức), KR (Hàn Quốc), LR (Anh), NK (Nhật), RINA (Ý)… với thông tin chi tiết về từng hội viên có thể xem tại trang http://www.iacs.org.uk. Trong khi đó thì đăng kiểm Thái Lan lại không phải là hội viên của tổ chức này.
Về bảo hiểm P&I, trên thế giới có “Tổ chức quốc tế các Hội bảo hiểm P&I” (International Group of P&I Clubs). Đây chính là nơi tập trung các hội được nhiều người quen gọi là “quốc tế” hoặc “tương đương” có một số hội viên như: American Steamship Owners Mutual Protection and Indemnity Association, Inc, Assuranceforeningen Gard, Assuranceforeningen Skuld, The Britannia Steam Ship Insurance Association Limited, The Japan Ship Owners’ Mutual Protection & Indemnity Association, The London Steam-Ship Owners’ Mutual Insurance Association Limited, The North of England Protecting & Indemnity Association Limited, The Shipowners’ Mutual Protection & Indemnity Association (Luxembourg), The Standard Steamship Owners’ Protection & Indemnity Association (Bermuda) Limited, The Steamship Mutual Underwriting Association (Bermuda) Limited, The Swedish Club, United Kingdom Mutual Steam Ship Assurance Association Limited, The West of England Ship Owners Mutual Insurance Association (Luxembourg)… (chi tiết về từng hội có thể xem tại trang www.igpandi.org). Hội bảo hiểm P&I của Thái Lan cũng không phải là thành viên của tổ chức này.
Như vậy, theo ý kiến của người viết thì muốn được coi là “quốc tế“ hay “tương đương” như thỏa thuận trong hợp đồng của trường hợp này thì một tổ chức đăng kiểm hay hội bảo hiểm P&I nào đó phải là hội viên của các tổ chức quốc tế tương ứng nêu trên./.
Ngô Khắc Lễ (Visaba)