Sau khi tàu bốc (loading) xong hàng, người giao hàng hoặc người thuê vận chuyển luôn muốn có vận đơn phù hợp với hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc thư tín dụng còn chủ tàu/người vận chuyển (dưới đây gọi chung là “chủ tàu”) phải xem xét các điều kiện để ký phát vận đơn đúng với tình trạng hàng hóa và các thỏa thuận trong hợp đồng vận chuyển. Tranh chấp thường liên quan đến tình trạng hàng có thể được cấp vận đơn sạch hay không và việc trả tiền cước vận chuyển để lấy vận đơn phù hợp. Điều cần lưu ý là trong quá trình thương lượng, người giao hàng cũng như chủ tàu phải biết những đề nghị, chấp nhận hoặc từ chối như thế là hợp lý để tránh phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình.
Xin giới thiệu vụ tranh chấp dưới đây liên quan đến vấn đề nêu trên để bạn đọc tham khảo.
Tranh chấp về chậm ký phát vận đơn khi xác định số lượng hàng và trả tiền cước vận chuyển được tóm tắt qua phán quyết của trọng tài Luân Đôn (London arbitration award) in trên Bản tin Luật hàng hải của Lloyd’s (Lloyd’s Maritime Law Newsletter) số 421, ngày 23/12/1995, đăng lại trên tạp chí Bimco Bulletin, Volume 91, No. 2, 1996.
Người thuê vận chuyển đưa ra khiếu nại trên cơ sở: thứ nhất, chủ tàu đã có sai sót, cụ thể là chậm thông báo thời gian hoàn thành việc bốc hàng (loading) và ký vận đơn sạch; thứ hai là tàu đã chậm ký phát vận đơn sau khi tiền cước vận chuyển đã được trả.
Điều 23 của hợp đồng vận chuyển theo chuyến quy định: “Tiền cước vận chuyển được trả như sau: 95% tiền cước, trừ tiền hoa hồng, tiền hoa hồng môi giới, dự tính tiền thưởng tại cảng bốc hàng (nếu có) và tiền đóng góp của chủ tàu đối với bảo hiểm thêm (nếu có), trả trong vòng ba ngày làm việc của ngân hàng sau khí ký vận đơn sạch, hàng đã bốc lên tàu … Chủ tàu phải ngay lập tức chỉ thị cho đại lý tại cảng bốc hàng ký phát vận đơn khi văn phòng của chủ tàu nhận được telex từ ngân hàng của người thuê vận chuyển xác nhận tiền cước vận chuyển theo thỏa thuận nêu trên đã được trả. Số tiền cước vận chuyển còn lại, trừ tiền thưởng hoặc cộng với tiền phạt … được trả trong vòng 30 ngày sau khi nhận được văn bản quyết toán tiền cước vận chuyển …”.
Tàu bốc xong hàng lúc 19 giờ 45 phút Chủ Nhật, ngày 16/2. Người thuê vận chuyển cho rằng họ đã trả tiền cước vận chuyển ngày 20/2, việc chậm trễ là do đại lý của chủ tàu chậm thông báo thời điểm việc hoàn thành bốc hàng và xác nhận vận đơn như vậy là “sạch”. Cuối cùng, mãi đến tận ngày 9/3 vận đơn mới được ký phát cho người thuê vận chuyển nhưng lại ký phát vào cuối ngày nên người thuê vận chuyển thực tế coi như chỉ có được vận đơn để sử dụng vào sáng ngày hôm sau. Người thuê vận chuyển khiếu nại thiệt hại về trị giá hàng hóa từ ngày 17/2 đến ngày 10/3.
Tòa quyết định: Việc chậm trễ lần thứ nhất trong việc ký phát vận đơn là do tranh chấp giữa thuyền trưởng và người giao hàng (shippers) về số lượng hàng. Lúc đầu, chủ tàu đề nghị vấn đề đó cần được giải quyết bằng giám định mớn nước, nhưng sau khi trao đổi thêm, họ đồng ý ghi số lượng của người giao hàng lên vận đơn trên cơ sở có ghi cùng với nhóm từ “không phương hại” (without prejudice). Như vậy, chủ tàu không vi phạm hợp đồng và do đó khiếu nại của người thuê vận chuyển đối với giai đoạn đến ngày 19/2 là không chấp nhận được. Vào ngày 20/2, ngân hàng của người thuê vận chuyển đã gửi telex xác nhận việc thanh toán tiền cước vận chuyển nhưng chủ tàu vẫn không ký phát vận đơn. Lúc đầu, chủ tàu muốn đòi USD 39.909,75 là số tiền mà họ cho là chi phí đi trệch đường (deviation expense) USD 115.000,00 là tiền phạt lưu tàu và từ chối ký phát vận đơn nếu người thuê vận chuyển không trả những khoản tiền này. Đó là những yêu cầu mà chủ tàu không có quyền đòi hỏi, dù dựa vào điều 23 hay lý lẽ nào khác nên cuối cùng đã bị tòa bác bỏ. Thực tế cho thấy, trước khi vận đơn được ký phát, người thuê vận chuyển đã trả thêm cho chủ tàu một khoản tiền nhỏ mà họ đã giữ lại là số tiền thưởng dự tính tại cảng bốc hàng mà trong trường hợp này, họ có quyền khấu trừ số tiền đó. Chính vì vậy, chủ tàu đã sai khi không ký phát vận đơn từ ngày 20/2 và do đó đã vi phạm Điều 23 của hợp đồng vận chuyển theo chuyến.
Chủ tàu phải chịu trách nhiệm bồi thường USD 18.203,23 cho người thuê vận chuyển về tiền lãi (ở mức 6,25%/năm) cho khoảng thời gian 18 ngày từ ngày 20/2 đến ngày 10/3 đối với trị giá hàng hóa là USD 5.905.937,40. Chủ tàu cho rằng người thuê vận chuyển đã không chứng minh được trị giá thiệt hại và rõ ràng tổn thất không phải như người thuê vận chuyển đưa ra. Tuy vậy, có chứng cứ hiển nhiên cho thấy người thuê vận chuyển đã trả trước tiền hàng và bằng chứng về việc họ chỉ được thanh toán tiền hàng theo hợp đồng mua bán hàng hóa của họ vào ngày 17/3 một khi vận đơn đã được ký phát và triết khấu (negotiated) với ngân hàng để có tiền.
(Theo Bimco Bulletin)
Ngô Khắc Lễ (Visaba)