Thực tế về khai thác tàu trong hợp đồng vận chuyển theo chuyến (voyage charter-party) đã xảy ra tranh chấp về Thông báo sẵn sàng (TBSS), đó là, chỉ cần “đưa” hay phải được “chấp nhận”. Dưới đây là một trường hợp để bạn đọc tham khảo.
Sau khi tàu bốc (loading) xong hàng tại cảng Pusan ngày 23/7/2005, trên đường hành trình về cảng Sài Gòn để dỡ hàng người thuê vận chuyển (theo hợp đồng mẫu Gencon) nhận
được bản “Thông báo sẵn sàng” (TBSS) đề ngày 24/7/2005, trong đó có đoạn: “… tàu dự kiến đến cảng Sài Gòn lúc 18:30 ngày 30/7/2005 và sẵn sàng về mọi mặt để dỡ hàng lúc 06:00 sáng ngày 31/7/2005…”. Người thuê vận chuyển cho rằng TBSS phải được họ “chấp nhận” mới có giá trị pháp lý chứ không thể chỉ “đưa” đơn phương như vậy. Quan điểm này có đúng không?
Trước hết, cần làm rõ tác dụng của TBSS. Để tàu có thể bốc/dỡ hàng, tức là bắt đầu tính thời hạn làm hàng (laytime) theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến, tàu biển phải là “tàu đã đến” (arrived ship). Ba điều kiện để tàu trở thành “tàu đã đến” là: (i) tàu phải đến nơi đã thoả thuận trong hợp đồng, (ii) tàu phải sẵn sàng về mọi mặt để bốc dỡ hàng, và (iii) TBSS phải được gửi cho người giao hàng, người thuê vận chuyển, người nhận hàng hay đại lý của những người này (tuỳ theo quy định trong hợp đồng hoặc theo tập quán). Nơi đã thỏa thuận nói ở điều kiện (i) có thể là một cầu cảng trong trường hợp “thuê tàu đến cầu cảng” (berth charter), hoặc là “cảng, khu vực cảng” khi “thuê tàu đến cảng” (port charter). Sự hợp lý của ba điều kiện này là: tàu có đến nơi đã thỏa thuận hoặc theo tập quán mới thực hiện được hợp đồng, có sẵn sàng về mọi mặt mới bốc/dỡ được hàng và có đưa TBSS thì bên thuê vận chuyển mới biết mà chuẩn bị giao hàng cho tàu hoặc nhận hàng từ tàu.
Luật pháp hàng hải và tập quán của nhiều nước đều quy định gần như nhau về chức năng của TBSS do tính chất quốc tế của hoạt động hàng hải. Điều 181 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017 (thay thế Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2005 – Điều 104 Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi) được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006 và thay thế Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 1990), quy định tương tự như Bộ luật 1990 và 2005 như sau: “1. Người vận chuyển có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho người thuê vận chuyển về việc tàu biển đã đến cảng nhận hàng và sẵn sàng để nhận hàng (sau đây gọi là Thông báo sẵn sàng). 2. Ngày, giờ có hiệu lực của Thông báo sẵn sàng do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, trường hợp không có thoả thuận thì được xác định theo tập quán địa phương. 3. Người vận chuyển phải bồi thường thiệt hại phát sinh do nội dung của Thông báo sẵn sàng không đúng với sự thật ở thời điểm người thuê vận chuyển nhận được văn bản này”.
Theo hợp đồng mà các bên ký kết (mẫu Gencon sửa đổi năm 1922, 1976 và 1994), ngày giờ có hiệu lực của TBSS được thể hiện: “Thời hạn bốc và dỡ hàng sẽ bắt đầu tính lúc 13:00 nếu TBSS được đưa trước hoặc đúng vào 12:00, và bắt đầu tính lúc 06:00 ngày làm việc hôm sau nếu TBSS được đưa sau 12:00… Nếu cầu cảng bốc/dỡ hàng không có sẵn (available) khi tàu đến cảng, khu vực cảng (at or off the port), tàu có quyền đưa TBSStrong giờ làm việc dù tàu đã hoàn thành thủ tục kiểm dịch và thủ tục hải quan hay chưa”.
Như vậy, việc “đưa” sớm hay “nhận” sớm TBSS không ảnh hưởng gì đến việc tính toán thời hạn làm hàng. Phía người thuê vận chuyển có thể yên tâm “nhận” và “mạnh dạn” ghi rõ ngày, giờ nhận vào bản TBSS. Việc phía người vận chuyển đưa TBSS sớm với ý định buộc người thuê vận chuyển phải làm hàng sớm cũng không có tác dụng gì hơn là đưa khi tàu đến nơi đã thoả thuận (khu vực cảng, cảng hoặc cầu cảng).
Nếu có thoả thuận rằng TBSS chỉ cần được “đưa”, điều đó cũng không có nghĩa là người vận chuyển có thể tính ngay thời hạn làm hàng theo TBSS khi tàu chưa phải là “tàu đã đến”, và ngay cả khi theo hợp đồng, TBSS phải được “chấp nhận”, người thuê vận chuyển cũng không thể tìm cách trì hoãn, nhằm kéo dài thời gian chấp nhận nếu tàu đã đáp ứng đủ điều kiện của một “tàu đã đến”. Đây chính là lẽ công bằng.
Trong trường hợp nêu trên, giả sử tàu đến cảng đúng như dự báo (tối thứ Bảy, ngày 30/7/2005), vì ngày hôm sau là Chủ nhật, TBSS sẽ coi như được đưa vào sáng thứ Hai, ngày 01/8/2005 và thời hạn làm hàng bắt đầu tính từ 13:00 cùng ngày (01/8/2005). Như vậy, dù phía người thuê vận chuyển có nhận TBSS ngày 24/7/2005 thì thời hạn làm hàng cũng chỉ bắt đầu tính từ 13:00 ngày 01/8/2005./.
Ngô Khắc Lễ (Visaba)