Giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển không vượt quá 100 Bảng Anh theo Quy tắc Hague 1924 (Hague Rules 1924) cho một kiện hàng hoặc đơn vị hàng hóa thường không được ghi trên vận đơn để tránh việc quy đổi theo bản vị vàng do giá trị tiền tệ thay đổi từ năm 1924. Tuy vậy, có Tòa án vẫn áp dụng mức 100 Bảng Anh cho một kiện hoặc đơn vị hàng hóa mà không tính “trượt giá” nếu mức giới hạn này được ghi trên vận đơn. “Hàng xếp trên boong, rủi ro do người giao hàng chịu” (shipped on deck at shipper’s risk) được ghi trên vận đơn có miễn trừ trách nhiệm cho người vận chuyển đối với tàu không đủ khả năng đi biển hay không? và người vận chuyển cần lưu ý đối với việc ký phát vận đơn không giao dịch được (non-negotiable) cho người giao hàng nhưng giữ lại những bản (vận đơn) gốc với nội dung không giống với bản đã cấp, do đó, những điều khoản ghi trên mặt sau của vận đơn gốc nhưng lại không có trên vận đơn không giao dịch được có thể không được chấp nhận để thi hành.
Bị đơn – “Synergy Shipping Pte Ltd” (sau đây gọi tắt là “Synergy Shipping” hoặc “Synergy”) – với tư cách là người vận chuyển đã ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa để chuyên chở 1.300 tấm thép (deformed steel bars) của nguyên đơn – “PT Soonlee Metalindo Perkasa” (sau đây gọi tắt là “PT Soonlee”) – từ Singapore đến Batam, Indonesia.
Hàng hóa được vận chuyển trên boong của xà lan (barge) có tên là “Limin XIX” thuộc sở hữu của bên thứ ba – “Freighter Services”. Xà lan “Limin XIX” được kéo bởi một tàu lai (tug) tên là “Fajar Putra”. Đoàn tàu lai dắt rời Singapore lúc 5 giờ 50 phút chiều, ngày 21 tháng 3 năm 2005. Vào khoảng nửa đêm cùng ngày, hầu hết hàng hóa trên xà lan đã bị rơi xuống biển.
PT Soonlee khởi kiện Synergy đòi bồi thường hàng hóa bị mất mát; Synergy khiếu nại Freighter Services – bên thứ 3 và là chủ tàu – về thiệt hại hàng hóa. Hàng được vận chuyển theo vận đơn do Synergy Shipping ký phát. Trên mặt trước và mặt sau của vận đơn đều có ghi “hàng được xếp trên boong, rủi ro do người giao hàng chịu” (shipped on deck at shipper’s risk). Trên một mặt của vận đơn còn có Điều 9(c) nêu rõ miễn trừ “trách nhiệm đối với mất mát, hư hỏng hoặc chi phí có liên quan đến hàng chở trên boong xảy ra trong bất kỳ trường hợp nào và cho dù có nguyên nhân là sơ suất, không đủ khả năng đi biển hay bất kỳ nguyên nhân nào khác”. Cả hai mặt của vận đơn cũng có Điều 64(c) giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển ở mức 100 Bảng Anh một kiện. Tuy vậy, PT Soonlee chưa bao giờ nhận được hoặc nhìn thấy một bản vận đơn gốc vì theo thông lệ (practice) của việc vận chuyển như vậy, Synergy giữ bản gốc và chỉ gửi bản không giao dịch được (non-negotiable) cho đại lý của PT Soonlee. Phía sau của bản vận đơn không giao dịch được này bị bỏ trống. Do đó, PT Soonlee đã không biết có Điều 9(c).
Tòa nhận định như sau:
– Theo “Thông luật” – common law – còn gọi là luật án lệ, luật chung, luật Anglo-Saxon, luật Anh Mỹ, người vận chuyển hàng hóa bằng đường biển có nghĩa vụ tuyệt đối làm cho tàu có đủ khả năng đi biển khi bắt đầu chuyến đi;
– Xà lan “Limin XIX” đã không đủ khả năng đi biển vào lúc khởi hành từ Singapore – về tổng thể, tình trạng (structure) của xà lan là rất kém, có nhiều chỗ bị hỏng nặng (eroded);
– Một cách tổng quát (balance of probabilities) có thể thấy, hàng hóa bị mất mát là do xà lan “Limin XIX” không đủ khả năng đi biển;
– Điều khoản quy định rằng hàng xếp trên boong do người giao hàng chịu rủi ro không đủ để miễn trừ trách nhiệm đối với tình trạng tàu không đủ khả năng đi biển. Nhóm từ “hàng được xếp trên boong, rủi ro do người giao hàng chịu” (shipped on deck at shipper’s risk) được ghi trên vận đơn không miễn trừ trách nhiệm cho người vận chuyển đối với tàu không đủ khả năng đi biển;
– Vì PT Soonlee chỉ nhận được bản vận đơn không giao dịch được có mặt sau bỏ trống nên những điều nêu trên mặt sau của vận đơn mà Synergy nắm giữ (có trong tay) không được coi là một bộ phận không tách rời của hợp đồng vận chuyển. Do đó, điều 9(c) quy định rõ về miễn trừ trách nhiệm đối với tình trạng tàu không đủ khả năng đi biển không được coi là một phần của hợp đồng và vì vậy, không được áp dụng;
– Điều 64(c) có quy định tuy không nêu rõ loại trách nhiệm mà giới hạn trách nhiệm được áp dụng nhưng cũng đủ rộng để bao trùm nhiều loại trách nhiệm.
– Điều khoản giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển với số tiền 100 Bảng Anh cho một kiện hàng được áp dụng để giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển. Trách nhiệm của Synergy được giới hạn ở mức 100 Bảng Anh một kiện. Vì có 300 kiện bị tổn thất nên trách nhiệm của Synergy giới hạn ở mức 30.000 Bảng Anh.
– Vì xà lan không đủ khả năng đi biển nên Freighter Services đã vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đối đối với Synergy là cung cấp một xà lan có đủ khả năng đi biển.
Vì những lẽ trên, tòa đã phán quyết buộc Synergy và Freighter Services phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho PT Soonlee./.
(Theo tài liệu nước ngoài)
Ngô Khắc Lễ (Visaba)