Đã xảy ra trường hợp tàu cho thuê chở hàng theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến (voyage charter party), bốc hàng tại một cảng Nhật Bản. Trong quá trình bốc hàng, có một số khoảng thời gian có gió, tàu phải dừng bốc hàng và được ghi vào “biên bản làm hàng” (statement of facts). Người thuê vận chuyển cho rằng phải loại trừ thời gian có gió ra khỏi thời hạn bốc hàng (laytime for loading). Quan điểm của người thuê vận chuyển như vậy có đúng không và gió đến mức độ nào thì phải ngừng bốc hàng và thời gian “gió” có được loại trừ khỏi thời hạn bốc hàng?
Trước hết phải xem “gió” có được coi là một hiện tượng của “thời tiết” hay không? Theo định nghĩa, “thời tiết” là “tình trạng của khí quyển tại một nơi nào đó và vào thời điểm nào đó, được thể hiện ở các hiện tượng như nhiệt độ, mưa, nắng, gió, v.v”. Như vậy, khái niệm “gió” nằm trong phạm vi của định nghĩa về “thời tiết”. Để bạn đọc tham khảo, nguyên văn định nghĩa về “thời tiết” được nêu trong từ điển Oxford của Anh nh sau: “weather: the condition of the atmosphere at a certain place and time with reference to temperature and the presence of rain, sunshine, wind, etc”.
Nếu trong hợp đồng vận chuyển hàng hoá có thoả thuận về “ngày làm việc thời tiết tốt, 24 giờ liên tục” (weather working day of 24 consecutive hours) hoặc “thời tiết cho phép” (weather permitting) thì “gió” là một trong những yếu tố của thời tiết được đưa ra xem xét có tính hay không tính vào thời hạn bốc hàng (tức là thời gian “gió” có được loại trừ khỏi thời hạn bốc hàng hay không). Tuy vậy, vấn đề đặt ra là gió đến mức độ nào hay nói cách khác là căn cứ vào đâu để xác định việc ngừng bốc hàng do “gió” là hợp lý. Trong thực tiễn hàng hải thương mại quốc tế và trong nước, theo người viết được biết, tại nhiều cảng biển, để bảo đảm an toàn trong quá trình bốc dỡ hàng cho người, hàng hoá, phương tiện vận chuyển…. chính quyền cảng/cảng vụ hàng hải quy định cụ thể về sức gió (tốc độ gió) tối đa cho phép công việc bốc dỡ hàng được tiến hành, tức là khi gió đạt đến một tốc độ nào đó, thường tính bằng mét/giây thì phải ngừng việc bốc dỡ hàng, có căn cứ vào tính chất từng loại hàng hóa cụ thể. Do đó, có thể dùng căn cứ này để xem xét việc ngừng bốc hàng của người thuê vận chuyển có hợp lý hay không. Đó cũng chính là cơ sở để xác định việc trừ thời gian có “gió” ra khỏi thời hạn bốc hàng có đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng hay không.
Nhân đây, xin nêu hai thuật ngữ có liên quan đến trường hợp này, nguyên văn bằng tiếng Anh để bạn đọc tham khảo và sử dụng khi cần thiết. Đó là: “weather working day”: day on which work is normally carried out at a port and which counts as laytime unless loading or discharging would have ceased because of bad weather” và “weather permitting: term used in a voyage charter to signify that laytime does not count when weather conditions do not allow loading or discharging operations to be carried out.”
Như vậy, nếu hợp đồng không có thoả thuận khác, những quy định về an toàn lao động tại cảng có thể được coi là “trọng tài viên”, thẩm phán” – người “cầm cân, nảy mực” – để phán xét việc người thuê vận chuyển ngừng bốc hàng có hợp lý hay không.
Ngô Khắc Lễ (Visaba)