Cần lưu ý khi thỏa thuận về thời gian giao tàu và trả tàu trong hợp đồng thuê tàu định hạn (time charterer). Sau đây là một ví dụ để bạn đọc tham khảo. Tàu được giao tại cảng Hải Phòng (Việt Nam), trả tàu tại cảng Busan (Hàn Quốc). Người thuê tàu tính thời gian thuê tàu trên cơ sở giờ địa phương tại nơi giao tàu (cảng Hải Phòng) được đổi theo giờ địa phương tại nơi trả tàu (Busan). Tức là đổi thời gian giao tàu và thời gian trả tàu về giờ địa phương của Hàn Quốc (Busan) nhưng chủ tàu không chấp nhận. Họ cho rằng phải tính thời gian thuê tàu trên cơ sở giờ địa phương tại nơi giao tàu và giờ địa phương tại nơi trả tàu mới đúng vì đều dựa trên cơ sở là “giờ địa phương”. Quan điểm của người thuê tàu hay chủ tàu là đúng?
Theo luật hàng hải của Anh và nhiều nước khác, cơ sở để tính tiền thuê tàu (hire) là thời gian thực (actual elapsed time) tàu đã được giao cho người thuê sử dụng như thỏa thuận trong hợp đồng. Hiểu một cách đơn giản, giả sử để một chiếc đồng hồ trên tàu vào thời điểm bắt đầu cho thuê tàu (thời điểm giao tàu) và tàu trong tình trạng như hợp đồng quy định (contractual state), thì thời gian đồng hồ chạy được chính là thời gian cho thuê tàu. Như chúng ta biết vì quả đất tự quay quanh trục của mình đồng thời quay quanh mặt trời nên thời gian tại mỗi vị trí khác nhau trên bề mặt trái đất đều không giống nhau, do đó gây khó khăn cho hoạt động của con người khi cần tính toán thời gian tại mỗi vị trí trên bề mặt trái đất. Để thuận tiện trong sử dụng, cần phải có một giờ “chuẩn” theo quy ước. Vì vậy, tại một Hội nghị Thiên văn học Quốc tế năm 1884, quy định “chuẩn” để xác định thời gian đã được thông qua, đó là quy định về “múi giờ”. Theo đó, toàn bộ bề mặt quả đất căn cứ vào kinh tuyến chia thành 24 múi giờ, mỗi múi có chiều rộng là 15 độ Kinh (bằng 1 giờ), đường Kinh tuyến đi qua Greenwich (nước Anh) được gọi là Kinh tuyến “gốc” (0 độ), cứ 15 độ tính từ đây (kinh tuyến gốc) đi về phía Đông và phía Tây được gọi là 1 “múi giờ” (time zone), có độ chênh lệch là 1 giờ. Giả sử ở Greenwich là 12 giờ trưa thì múi giờ đầu tiên về phía Đông là 1 giờ chiều và ở phía Tây là 11 giờ trưa. Như vậy, tàu biển di chuyển giữa các vùng có múi giờ khác nhau sẽ có chênh lệch giữa giờ địa phương với thời gian thực sự tàu chạy (thời gian đã chạy được của chiếc đồng hồ mà ta để trên tàu như nói ở trên, với điều kiện là đồng hồ không bị hỏng, luôn có đủ pin hay điện và không ai được điều chỉnh nó).
Việt Nam ở múi giờ thứ 7 về phía Đông tính từ Greenwich. Theo quy ước, giờ Việt Nam là giờ GMT (Greenwich Mean Time) + 7, Hàn Quốc nằm ở múi giờ thứ 9 nên giờ của họ là GMT + 9. Như vậy, giờ tại Hải Phòng và giờ tại Busan chênh nhau 2 giờ. Nếu tàu chạy về hướng Đông (từ 0 độ cho đến 180 độ) thì giờ địa phương mà tàu đi qua sẽ được tăng thêm còn chạy về phía Tây (cho đến 180 độ), giờ địa phương sẽ giảm tương ứng. Do đó, nếu không đổi thời gian giao tàu và thời gian trả tàu về một giờ thống nhất (giờ địa phương tại Hải Phòng, giờ địa phương tại Busan, hoặc giờ GMT) mà tính thời gian giao tàu và trả tàu theo giờ địa phương tại hai cảng thì chủ tàu được lợi 2 giờ (tức là người thuê tàu bị thiệt 2 giờ). Theo luật của Anh và nhiều nước khác, thời gian thuê tàu là thời gian thực sự tàu đã giao cho người thuê sử dụng như thỏa thuận trong hợp đồng. Vì vậy, quan điểm của người thuê tàu là đúng. Tuy vậy, cần lưu ý, một số trọng tài ở Hoa Kỳ đưa ra quan điểm tính thời gian giao tàu và thời gian trả tàu theo giờ địa phương tại nơi giao và trả tàu với lý do là nếu các người thuê tàu muốn quy định khác (theo giờ GMT hoặc theo giờ địa phương tại 1 trong 2 nơi – giao tàu hoặc trả tàu) thì phải ghi rõ trong hợp đồng.
Ngô Khắc Lễ (Visaba)