Có trường hợp đã xảy ra là chủ tàu (người vận chuyển) cho thuê tàu theo hợp đồng vận chuyển theo chuyến (voyage charter party) với số lượng hàng ghi trong hợp đồng là 15.000 tấn, 10% hơn hoặc kém do chủ tàu chọn (15.000mt 10% moloo). Như vậy, chủ tàu có quyền yêu cầu số lượng là 16.500 tấn. Vì tàu có thể chở được 18.000 tấn nên trước khi tàu đến cảng bốc (loading port), chủ tàu đã đề nghị người thuê vận chuyển cho biết có thể thu xếp số lượng hàng lớn hơn số lượng tối đa nêu trong hợp đồng (16.500 tấn) hay không, và nhận được trả lời của họ là không đáp ứng được theo yêu cầu đó.
Tàu đến cảng và đưa “thông báo sẵn sàng” như thường lệ. Đại lý tàu được chủ tàu thông báo là tàu sẽ nhận số lượng 10% hơn , tức là từ 15.000 tấn đến 16.500 tấn. Sau khi kết thúc bốc hàng, số lượng hàng thực bốc lên tàu và ghi trên vận đơn là 17.250 tấn. Chủ tàu gửi chứng từ thu cước phí theo số lượng này (17.250 tấn) cho người thuê vận chuyển nhưng họ chỉ chấp nhận trả tiền cước trên cơ sở số lượng tối đa nêu trong hợp đồng mà chủ tàu đã báo qua đại lý là 16.500 tấn. Quan điểm của chủ tàu hay người thuê vận chuyển là đúng?
Trả lời (để bạn đọc tham khảo): Nếu không có quy định khác thì tiền cước vận chuyển được tính trên cơ sở số lượng hàng thực tế bốc lên tàu. Theo hợp đồng, chủ tàu có quyền chọn số lượng và chủ tàu đã yêu cầu số lượng tàu sẽ nhận. Trách nhiệm thu xếp số lượng hàng sao cho không vượt quá số lượng đã thoả thuận trong hợp đồng thuộc về người thuê vận chuyển. Họ phải làm việc với người giao hàng (shipper) về số lượng hàng sẽ bốc lên tàu. Đây là việc riêng giữa người thuê vận chuyển và người giao hàng, chủ tàu không quan tâm và không có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người thuê vận chuyển về mặt số lượng hàng. Chủ tàu cũng không bị buộc phải theo dõi để ra lệnh cho tàu ngừng nhận hàng khi vừa đủ số lượng đã thoả thuận. Chủ tàu cũng không quan tâm đến cam kết về số lượng hàng trong hợp đồng mua bán (sale contract) giữa người mua và người bán. Thực tế hiển nhiên là chủ tàu không chở “miễn phí” cho số lượng hàng mà người thuê vận chuyển đã giao lên tàu vượt quá số lượng đã thoả thuận, trong khi người mua và/hoặc người bán hàng được hưởng lợi từ số lượng hàng bốc thêm này. Khoản 1, Điều 188, Bộ Luật hàng hải Việt Nam năm 2015 quy định: “Trường hợp hàng hoá được bốc lên tàu biển vượt quá khối lượng đã thoả thuận trong hợp đồng thì người vận chuyển chỉ có quyền thu giá dịch vụ vận chuyển theo thỏa thuận đối với số hàng hoá đó”. Vì vậy, chủ tàu/người vận chuyển có quyền thu tiền cước vận chuyển đối với số lượng/khối lượng hàng vượt quá số lượng/khối lượng đã thoả thuận trong hợp đồng./.
Ngô Khắc Lễ (Visaba)