Trong quá trình thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến (voyage charter party), sau khi hoàn thành việc bốc hàng (loading), tàu thường phải chờ đợi một thời gian để chuẩn bị chứng từ hàng hoá. Khi tính toán tiền thưởng/phạt (despatch/demurrage), người vận chuyển đã tính cả khoảng thời gian chờ đợi làm chứng từ hàng hoá vào thời hạn bốc hàng (laytime for loading) mặc dù hợp đồng không quy định việc này. Trong khi đó, người thuê vận chuyển cho rằng thời gian bốc hàng sẽ ngừng tính kể từ thời điểm tàu kết thúc việc bốc hàng và thời gian chờ đợi chứng từ hàng hoá sẽ không tính vào thời hạn bốc hàng hoặc thời gian bị phạt.
Theo người viết bài này, nếu không có quy định khác, thời gian bốc hàng sẽ ngừng tính ngay khi bốc xong hàng. Theo thông lệ khá phổ biến, người thuê vận chuyển được phép có một khoảng thời gian hợp lý để xác định số lượng hàng hoá đã bốc, chuẩn bị chứng từ hàng hoá. Nếu người thuê vận chuyển gây chậm trễ cho tàu vượt quá thời gian “hợp lý” này, chủ tàu có thể đòi người thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại do lưu tàu (detention).
Vấn đề ở đây là thời gian “hợp lý” này là bao nhiêu. Thực tế cho thấy, tuỳ từng loại hàng, lô hàng, chuyến tàu cụ thể mà thời gian này khác nhau. Nếu tàu phải giám định mớn nước để xác định số lượng hàng hoá, hoặc cần có nhiều bộ vận đơn cho nhiều người giao hàng với nhiều cảng dỡ hàng khác nhau … thì thời gian chuẩn bị chứng từ hàng hoá sẽ không giống nhau, đấy là chưa kể đến trường hợp có tranh chấp về số lượng hàng hoá giữa Biên lai thuyền phó (mate’s receipt) và số lượng ghi trên vận đơn (B/L), hoặc những tranh chấp khác như tình trạng hàng hoá ghi trên vận đơn khác với ghi trên biên lai thuyền phó vì người giao hàng (Shipper) luôn muốn có vận đơn sạch (clean bill of lading) để chứng minh việc giao hàng phù hợp với hợp đồng mua bán và/hoặc thư tín dụng (letter of credit), dẫn đến việc tàu phải chờ đợi sau khi bốc xong hàng.
Cần lưu ý là các Toà án, Trọng tài xét xử theo những quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề nói trên. Có Toà án, Trọng tài căn cứ vào vụ việc cụ thể mà quyết định một khoảng thời gian nào đó được coi là “hợp lý”, chẳng hạn như “X” giờ dành cho việc chuẩn bị chứng từ hàng hoá là phù hợp. Nếu người thuê vận chuyển làm vượt quá thời gian này (thời hạn “hợp lý”) thì khoảng thời gian vượt quá bị tính là thời gian phải trả tiền phạt lưu tàu. Có Toà án, Trọng tài lại phán quyết rằng nếu người thuê vận chuyển chuẩn bị chứng từ hàng hóa vượt quá thời gian “hợp lý” thì toàn bộ thời gian kể từ thời điểm kết thúc việc bốc hàng sẽ tính vào thời hạn làm hàng, vào thời gian bị phạt (demurrage) hoặc bị tính là thời gian phạt lưu tàu.
Tuy vậy, cũng có Toà án, Trọng tài không chấp nhận khoảng thời gian “hợp lý” mà cho rằng toàn bộ thời gian chuẩn bị chứng từ hàng hoá sau khi hoàn thành việc bốc hàng luôn luôn do người thuê vận chuyển phải chịu.
Để tránh tranh chấp, nên quy định trong hợp đồng việc chủ tàu cho phép một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị chứng từ hàng hoá sau khi hoàn thành việc bốc hàng. Nếu hợp đồng không quy định hoặc mặc dù có đề nghị nhưng chủ tàu không đồng ý thì người thuê vận chuyển nên cố gắng làm nhanh nhất có thể để đề phòng trường hợp chủ tàu khởi kiện thì các Toà án, Trọng tài cũng thấy rằng người thuê vận chuyển đã có thiện chí và thực sự cố gắng nên khoảng thời gian đó dễ được chấp nhận là “hợp lý”. Ngoài ra, nên tham khảo ý kiến tư vấn, đại lý tại cảng để có thể biết được quan điểm của Toà án, Trọng tài ở các nước, khu vực khác nhau trước khi đàm phán, ký kết hợp đồng.
Ngô Khắc Lễ (Visaba)