ĐSQ VIỆT NAM TẠI HÀN QUỐC THƯƠNG VỤ _____________ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––– |
Số: 32 /ĐSQ-TVV/v trình tự pháp lý về quy trình xử lý nợ của hãng vận tải biển Hanjin | Seoul, ngày 2 tháng 9 năm 2016 |
Kính gửi:
– Vụ Châu Á – Thái Bình Dương;
– Cục Xuất nhập khẩu.
Ngày 31 tháng 8 năm 2016, hãng vận tải biển Hanjin của Hàn Quốc đã nộp đơn lên Tòa án Khu vực Trung tâm Seoul xin áp dụng quy trình xử lý nợ sau khi các ngân hàng chủ nợ không đồng ý tái cơ cấu các khoản nợ của Hanjin với số tiền lên đến 5 tỷ USD tính đến cuối năm 2015. Đây là hãng vận tải biển lớn nhất Hàn Quốc và lớn thứ 7 trên thế giới, chiểm tỷ trọng khoảng 3,1% năng lực vận tải container toàn cầu nên ngay lập tức động thái này đã có một số tác động dây chuyền đến thương mại quốc tế. Một số tàu của Hanjin cùng hàng hóa bị lưu giữ tại các cảng theo yêu cầu của chủ nợ (khoảng 10 tàu tại Trung Quốc và 1 tàu tại Singapore), một số cảng không cho tàu của Hanjin cập bến và dỡ hàng do lo ngại Hanjin không có khả năng thanh toán các khoản phí dịch vụ (tại các cảng Thượng Hải, Hạ Môn của Trung Quốc, Valencia của Tây Ban Nha, Savannah, Los Angeles và Long Beach của Hoa Kỳ,…), hàng hóa đã lên kế hoạch chuyên chở bằng container hoặc tàu của Hanjin phải nằm chờ tại cảng hoặc chuyển sang các hãng chuyên chở khác. Đối với các chủ hàng có hàng hóa hiện đang vận chuyển bằng container hoặc tàu của Hanjin sẽ đối mặt với rủi ro hàng bị giữ tại cảng hoặc không đảm bảo thời hạn giao hàng cho khách hàng. Do Hanjin hiện đang là thành viên của Liên minh vận tải gồm 5 công ty là China Cosco, Yang Ming, K Line, Evergreen và Hanjin nên rủi ro này không chỉ giới hạn ở hàng hóa được chuyên chở trên các tàu mà Hanjin đang điều hành mà còn mở rộng đối với cả hàng hóa được chuyển chở bằng container của Hanjin trên các tàu khác trong Liên minh. Cước vận chuyển của các tuyến đường biển quốc tế cũng tăng vọt do hụt nguồn cung ngắn hạn, chẳng hạn như cước vận chuyển chặng Busan – Los Angeles đã tăng 55% từ 1.100 USD lên khoảng 1.700 USD, cước vận chuyển chặng từ Hàn Quốc sang bờ Đông Hoa Kỳ đã tăng 50% lên 2.400 USD một container 40 feet.
Sau khi Hanjin đã nộp đơn lên Tòa án xin áp dụng quy trình xử lý nợ, dự kiến các thủ tục pháp lý tiếp theo sẽ được Tòa tiến hành như sau:
1. Tòa án sẽ ban hành lệnh bảo toàn tài sản và lệnh lưu giữ toàn bộ tài sản của Hanjin trong vòng 1 tuần kể từ khi tiếp nhận hồ sơ. Lệnh bảo toàn tài sản được ban hành nhằm mục đích bảo toàn toàn bộ tài sản của Hanjin, cấm Hanjin thanh toán các khoản nợ hoặc từ bỏ bất kỳ tài sản nào của mình mà không được sự chấp thuận của Tòa án. Lệnh lưu giữ toàn bộ tài sản được ban hành nhằm mục đích không cho phép các chủ nợ có bảo đảm hoặc không có bảo đảm của Hanjin tiến hành các thủ tục cưỡng chế hoặc thực hiện các biện pháp lưu giữ đối với tài sản đảm bảo khoản vay của Hanjin.
2. Sau khi đã cân nhắc các yêu cầu và điều kiện cần thiết đối với vụ việc, Tòa án sẽ quyết định mở thủ tục xử lý nợ của Hanjin trong vòng 1 tháng. Tại thời điểm quyết định mở thủ tục, Tòa án sẽ chỉ định một quản tài viên có thẩm quyền điều hành Hanjin và một giám sát viên có thẩm quyền xác minh tình hình tài chính của Hanjin. Cùng với quyết định mở thủ tục xử lý nợ của Hanjin, Tòa án sẽ công bố (1) thời gian tổ chức cuộc họp đầu tiên với các bên liên quan; (2) khoảng thời gian mà quản tài viên cần phải nộp danh sách các chủ nợ có bảo đảm và không có bảo đảm, danh sách những người nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu của công ty; (3) khoảng thời gian mà các chủ nợ có bảo đảm và không có bảo đảm, người nắm giữ cổ phiếu, trái phiếu cần phải đưa ra yêu cầu bồi hoàn của mình; (4) khoảng thời gian tiến hành xác minh các yêu cầu bồi hoàn và các nghĩa vụ bồi hoàn theo danh sách.
3. Sau khi có quyết định mở thủ tục xử lý nợ, giám sát viên sẽ đánh giá giá trị của tất cả các tài sản thuộc về Hanjin, xây dựng và nộp cho Tòa án danh mục các tài sản và bảng cân đối kế toán của Hanjin tính đến thời điểm mở thủ tục xử lý nợ, tiến hành xác minh và báo cáo với Tòa trước khi diễn ra cuộc họp đầu tiên với các bên liên quan những thông tin sau: (1) bối cảnh dẫn đến việc Hanjin phải tiến hành thủ tục xử lý nợ; (2) các vấn đề liên quan đến kinh doanh và tài sản của Hanjin; (3) trách nhiệm của những người quản lý của Hanjin nếu có.
4. Quản tài viên phải lập danh sách các chủ nợ có bảo đảm và không bảo đảm, những người nắm giữ cổ phiếu, trái phiếu và nộp các danh sách đó cho Tòa án. Bất kỳ chủ nợ nào muốn tham gia vào quy trình xử lý nợ phải nộp yêu cầu bồi hoàn của họ cho Tòa cùng với các tài liệu chứng minh trong khoảng thời gian quy định. Các chủ nợ, người nắm giữ cổ phiếu, trái phiếu đã có tên trong danh sách do quản tài viên lập ra được xem là đã nộp yêu cầu bồi hoàn cho Tòa.
5. Tại cuộc họp đầu tiên với các bên liên quan, quản tài viên sẽ trình bày tóm tắt với các bên liên quan về (1) bối cảnh dẫn đến việc Hanjin phải tiến hành thủ tục xử lý nợ; (2) các vấn đề liên quan đến kinh doanh và tài sản của Hanjin; (3) trách nhiệm của những người quản lý của Hanjin nếu có. Tại cuộc họp lần thứ hai, người nộp dự thảo phương án xử lý nợ sẽ trình bày với Tòa về phương án mình đưa ra và các bên liên quan có thể đưa ra ý kiến của mình về phương án được đề xuất. Tại cuộc họp lần thứ ba, các chủ nợ có bảo đảm và không có bảo đảm, những người nắm giữ cổ phiếu, trái phiếu của Hanjin sẽ tiến hành bỏ phiếu để thông qua phương án với tỷ lệ phiếu thông qua cần thiết được chia theo các mức như sau: đối với các yêu cầu bồi hoàn có đảm bảo là ¾ số phiếu thuận, đối với các yêu cầu bồi hoàn không có đảm bảo là 2/3 số phiếu thuận, đối với các yêu cầu bồi hoàn của người nắm giữ cổ phiếu/trái phiếu là đa số phiếu thuận. Người nắm giữ cổ phiếu/trái phiếu chỉ được quyền bỏ phiếu khi tổng tài sản có của Hanjin lớn hơn tổng tài sản nợ của Hanjin tại thời điểm mở thủ tục xử lý nợ. Đối với trường hợp của Hanjin, để đẩy nhanh quy trình có thể cuộc họp lần thứ hai và lần thứ ba sẽ được ghép lại làm một.
6. Sau khi phương án xử lý nợ được thông qua tại cuộc họp giữa các bên liên quan, Tòa án sẽ xác nhận hoặc từ chối phương án đó ngay trong ngày hoặc vào một thời điểm khác được công bố ngay tại cuộc họp. Tòa án chỉ tiến hành xác nhận phương án xử lý nợ khi phương án đó đã đáp ứng đủ các quy định trong luật, bao gồm (1) quy trình xử lý nợ và phương án xử lý nợ phù hợp với các quy định luật pháp có liên quan; (2) phương án xử lý nợ là công bằng và có thể thực hiện được; (3) phương án xử lý nợ được thông qua một cách trung thực và hợp lý; (4) theo phương án xử lý nợ, giá trị tài sản trả cho các chủ nợ không nhỏ hơn tổng giá trị tài sản mà mỗi chủ nợ nhận được nếu tiến hành thanh lý tài sản của Hanjin. Nếu có bất kỳ nhóm nào trong ba nhóm biểu quyết không đạt được tỷ lệ phiếu thuận cần thiết, Tòa án có thể điều chỉnh lại dự thảo phương án xử lý nợ trên cơ sở áp dụng các quy định bảo vệ quyền của các bên liên quan và xác nhận phương án đã điều chỉnh.
Quy trình xử lý nợ hiện Hanjin đang thực hiện chưa phải là việc nộp đơn xin phá sản vì trên nguyên tắc của quy trình xử lý nợ, Hanjin vẫn tiếp tục hoạt động để bán đi những tài sản không cần thiết để trả nợ cũng như cam kết trả nợ thông qua những hoạt động kinh doanh trong tương lai. Trong khi đó, nếu nộp đơn xin phá sản Hanjin sẽ buộc phải dừng hoạt động và bán tất cả tài sản để thanh toán các nghĩa vụ nợ. Về lý thuyết, sau khi thực hiện xong việc xử lý nợ Hanjin vẫn có thể tiếp tục kinh doanh và phục hồi, tuy nhiên trên thực tế, khả năng này được đánh giá khó có thể xảy ra vì công ty đã dừng mọi hoạt động kinh doanh chủ yếu của mình, uy tín đã bị tổn hại nghiêm trọng. Khả năng sát nhập cũng khó có thể xảy ra vì công ty đang chìm trong thua lỗ và hãng vận tải biển Hyundai Merchant Marine, hãng vận tải biển lớn thứ hai của Hàn Quốc, cũng đang trong quá trình tái cơ cấu các khoản nợ. Hyundai Merchant Marine đã tuyên bố loại bỏ khả năng sát nhập với Hanjin mà chỉ có thể mua lại có lựa chọn một số tàu và thay thế khai thác một số tuyến vận chuyển hiện đang đem lại lợi nhuận cho Hanjin.
Ngoài ra, cần lưu ý theo Luật Phá sản và Xử lý nợ của Hàn Quốc, quản tài viên có quyền tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận các hợp đồng đang thực hiện của Hanjin, do đó sẽ xuất hiện các vấn đề pháp lý liên quan đến rủi ro và tổn thất của chủ hàng cũng như người cho thuê tàu và xác định trách nhiệm của các bên liên quan. Những vấn đề này còn phức tạp hơn khi một số hợp đồng của Hanjin được quy định điều chỉnh theo luật của Anh hoặc Hoa Kỳ.
Nơi nhận: – Như trên; – Lưu:TV. | THAM TÁN THƯƠNG MẠI Chu Thắng Trung |